Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và vấn đề bảo vệ quyền con người

Vietruslaw - Các cơ quan có trách nhiệm bồi thường cần có sự phối hợp chặt chẽ, bảo đảm việc bồi thường minh bạch, công khai, nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường. Lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người yêu cầu bồi thường để giải quyết thấu đáo, đầy đủ, bảo đảm quyền và lợi ích của họ.

Quyền con người là một trong những quyền tối cao, thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Ở nước ta, quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong quá trình thi hành công vụ, vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, người thi hành công vụ đã gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và trực tiếp xâm phạm đến quyền con người. Khi quyền con người bị xâm phạm bởi các hành vi sai trái do người thi hành công vụ gây ra thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, khắc phục những sai trái đó. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (TNBTCNN) đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 trong việc bảo vệ quyền con người. Vấn đề quyền con người trong Luật TNBTCNN năm 2017 được khái quát hai nội dung lớn: (1). Nhà nước có trách nhiệm bồi thường tổn thất về vật chất, sức khỏe, tinh thần và các quyền và lợi ích khác theo quy định của pháp luật cho người bị thiệt hại; (2) Phục hồi danh dự.

Điều 2 Luật TNBTCNN quy định đối tượng được bồi thường là “Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật này”. Như vậy, đối tượng mà Nhà nước hướng đến trong hoạt động bồi thường đó chính là cá nhân, tổ chức là những đối tượng bị tác động trực tiếp bởi hành vi sai trái của người thi hành công vụ, hoạt động bồi thường Nhà nước là thể hiện mối quan hệ bình đẳng giữa Nhà nước với cá nhân, tổ chức.

Luật TNBTCNN và vấn đề bảo vệ quyền con người

Ảnh minh họa.

Luật TNBTCNN và vấn đề bảo vệ quyền con người

Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người trong hoạt động bồi thường thiệt hại, Luật TNBTCNN năm 2017 đã có nhiều quy định thể hiện vấn đề này:

Thứ nhất: Yêu cầu các cơ quan nhà nước theo quy định của Luật này giải quyết yêu cầu bồi thường và được thông báo kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường (điểm a khoản 1 Điều 13 Luật TNBTCNN). Yêu cầu bồi thường chính là việc mà người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả do hành vi của người thi hành công vụ gây ra trong quá trình thi hành công vụ. Ở nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới, khi nhắc đến hoạt động điều tra, truy tố và xét xử thường nhắc đến yếu tố quyền lực nhà nước một chiều; tuy nhiên thực tiễn hoàn toàn không phải như vậy, việc Luật TNBTCNN quy định người bị thiệt hại có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước giải quyết yêu cầu bồi thường, quy định này đã đánh tan định kiến, xóa ranh giới và thể hiện sự công bằng giữa một bên là quyền lực nhà nước và một bên yếu thế hơn là cá nhân và tổ chức. Quy định này chính là sự bảo đảm cho quyền con người được thực thi ngay cả khi họ bị áp đặt.

Bên cạnh đó, người bị thiệt hại còn được yêu cầu các cơ quan nhà nước giải quyết yêu cầu bồi thường thông báo kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường; đây là sự bảo đảm cho yêu cầu bồi thường phải được rõ ràng, công khai và minh bạch.

Thứ hai: Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính; khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng (điểm b khoản 1 Điều 13 Luật TNBTCNN). Nếu nhận thấy việc bồi thường thiệt hại không thỏa mãn so với hậu quả do hành vi của người thi hành công vụ gây ra, người bị thiệt hại có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, đây là quy định ghi nhận và bảo vệ đến cùng quyền của con người. Khi xây dựng Nghị quyết 388 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh: “Một trong những công đoạn quan trọng của bồi thường là thương lượng, không thương lượng được mới phải ra tòa. Hơn nữa, đây là quan hệ dân sự vì không thể có chuyện cơ quan nhà nước đã gây thiệt hại phải bồi thường lại có thể áp đặt ý chí chủ quan của mình đối với người được bồi thường, như thế không công bằng”.

Thứ ba: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình theo quy định của pháp luật (điểm c khoản 1 Điều 13 Luật TNBTCNN). Ngoài việc yêu cầu cơ quan nhà nước bồi thường về mặt vật chất, sức khỏe… thì người bị thiệt hại còn được yêu cầu khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp khác bao gồm: khôi phục chức vụ (nếu có), việc làm và các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật có liên quan; khôi phục quyền học tập; khôi phục tư cách thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; ngoài ra còn có các quyền và lợi ích khác theo quy định của pháp luật, đây chính là những quyền cơ bản của con người.

Thứ tư: Thương lượng trong việc bồi thường. Khi giải quyết bồi thường thì nguyên tắc bình đẳng trong bồi thường đã được ghi nhận, đó chính là sự bảo đảm công bằng cho những yêu cầu của quyền con người được tôn trọng và thực thi. Đồng thời trong quá trình thương lượng phải tuân thủ nguyên tắc “bảo đảm dân chủ, tôn trọng ý kiến của các thành phần tham gia thương lượng”, tính dân chủ trong hoạt động thương lượng một lần nữa khẳng định cho việc bảo đảm quyền con người trong hoạt động thương lượng giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước.

Thứ năm: Trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai (Điều 58 Luật TNBTCNN); đăng báo xin lỗi và cải chính công khai (Điều 59 Luật TNBTCNN). Đây là hai hình thức phục hồi danh dự, bảo vệ quyền con người được quy định trong Luật TNBTCNN. Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Danh dự chính là sự coi trọng của xã hội đối với một con người, khi danh dự con người bị các hoạt động sai trái của người thi hành công vụ xâm phạm thì việc những người có thẩm quyền đại diện cho Nhà nước trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai là việc phục hồi danh dự cho con người; hoạt động này diễn ra công khai, tại nơi công cộng, đó chính là thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với những sai trái của người thi hành công vụ và thể hiện bản chất của nhà nước pháp quyền.

Một số bất cập, hạn chế cần khắc phục

Mặc dù Luật TNBTCNN năm 2017 có nhiều quy định nhằm bảo đảm quyền con người, tuy nhiên trong thực tiễn vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế:

Quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường vẫn còn phức tạp và rắc rối, một trong những căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Luật TNBTCNN là “Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường”; theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật TNBTCNN, “Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường là văn bản đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định, trong đó xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ hoặc là bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường”. Như vậy, để có được các căn cứ trên thì người yêu cầu bồi thường phải trải qua quá trình giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại ở các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau khi có văn bản kết luận có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thì mới có căn cứ bồi thường. Quy định này làm cho người yêu cầu bồi thường mất nhiều thời gian, chi phí, giấy tờ… mà các chi phí này không được tính trong chi phí bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật TNBTCNN.

Những quy định nêu trên ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm quyền lợi cho người yêu cầu bồi thường. Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết bồi thường thiệt hại, các cơ quan có trách nhiệm thường đùn đẩy, quy trách nhiệm dẫn đến việc bồi thường thiệt hại gặp rất nhiều khó khăn và kéo dài.

Để bảo đảm và phát huy quyền con người trong hoạt động bồi thường theo Luật TNBTCNN, theo chúng tôi cần có các giải pháp sau đây:

Cần quy định lại trình tự, thủ tục yêu cầu giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong Luật TNBTCNN theo hướng đơn giản, gọn nhẹ. Đồng thời, để giảm bớt gánh nặng cho người yêu cầu bồi thường, cần bổ sung quy định về chi phí giải quyết thủ tục yêu cầu vào thiệt hại được bồi thường. Bổ sung quy định về các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh hành vi sai trái của người thi hành công vụ gây ra, cụ thể swaar đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 7 Luật TNBTCNN như sau: “Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này; các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh hành vi sai trái của người thi hành công vụ...”; đồng thời cần xác định rõ cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại để tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm.

Các cơ quan có trách nhiệm bồi thường cần có sự phối hợp chặt chẽ, bảo đảm việc bồi thường minh bạch, công khai, nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường. Lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người yêu cầu bồi thường để giải quyết thấu đáo, đầy đủ, bảo đảm quyền và lợi ích của họ.

Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị có hành vi gây cản trở, khó khăn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người yêu cầu bồi thường.

Theo lsvn.vn

  Tin mới hơn: Tin cũ hơn:
          Trang sau>>
 

ls le trung son cr

Khách hàng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT


DỊCH VỤ CUNG CẤP

trong nuoc

nn