Thống nhất hoạt động của luật sư

Thống nhất hoạt động của luật sư cả nước

"Ngôi nhà chung" của giới luật sư - Liên đoàn luật sư Việt Nam - sẽ ra mắt vào tháng 5 tới sau nhiều năm chuẩn bị. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự phát triển của nghề luật sư ở nước ta.

Ngày 10/4, VnExpress.net đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Thảo - Phó chủ tịch hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc, nguyên vụ trưởng Vụ bổ trợ tư pháp Bộ Tư pháp - về vấn đề này.

- Chúng ta có Hội nhà báo, Hội nông dân... sao không lập Hội luật sư mà lại là Liên đoàn luật sư?

- Ban đầu cũng có nhiều ý kiến về tên gọi, người bảo là "hiệp hội luật sư", hay "hội luật sư"..., tuy nhiên về sau đa số đều đồng thuận với tên gọi Liên đoàn luật sư toàn quốc.

Gọi là liên đoàn vì thành viên của nó là các đoàn luật sư. Ở nhiều nước khác cũng như vậy. Tên gọi này hiện không ai thắc mắc, mọi người đều nhất trí.

Luật sư là nghề nhạy cảm, bảo vệ công lý, pháp luật... có vị trí đặc biệt, quan trọng trong xã hội nên tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư không giống những nghề nghiệp khác; có riêng Luật luật sư, quy định rõ tên gọi tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư là gì.

Chính phủ cũng đã có nghị định về việc này nên hoạt động của luật sư có đặc thù riêng, không như Hội khoa học kỹ thuật, Hội làm vườn... Thành viên của nó không phải là tự nguyện, anh phải là thành viên trong một đoàn luật sư thì mới được hành nghề.

- Liên đoàn ra đời sẽ hỗ trợ thế nào tới hoạt động của luật sư?

"Chúng tôi sẽ là chỗ dựa cho các luật sư. Các luật sư hãy yên tâm hành nghề. Liên đoàn sẽ là ngôi nhà chung của luật sư, bền vững khang trang và lộng gió thời đại".

Ông Lê Thúc Anh, cựu phó chánh án TAND Tối cao, Chủ tịch hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc.

- Nhiệm vụ quan trọng của liên đoàn là bảo vệ quyền và lơị ích hợp pháp của luật sư. Trong đó quan trọng nhất là quyền hành nghề như tham gia hoạt động tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng...

Liên đoàn sẽ luôn "đứng gác" xem các quyền đó có được thực hiện đúng pháp luật không? Nơi nào làm không đúng, chúng tôi sẽ can thiệp ngay để giải quyết. "Tiếng nói" của Liên đoàn bây giờ phải khác với các đoàn luật sư. Chúng tôi sẽ bảo vệ, tạo hậu thuẫn cho luật sư khi bảo vệ pháp luật.

- Tiêu chí chọn người vào ban lãnh đạo liên đoàn là gì, bởi hiện có quan điểm không đồng ý người không có kinh nghiệp hoạt động luật sư "ngồi" vào cương vị trên?

- Trong thời gian thảo luận vừa có một số người cho rằng chủ tịch, phó chủ tịch hay tổng thư ký... của liên đoàn phải là luật sư nổi tiếng, có nhiều kinh nghiệm. Theo tôi, họ chưa hiểu vấn đề lắm, không phải cứ hành nghề luật sư thì mới hiểu luật sư. Nhiều người làm trong ngành tư pháp, trực tiếp quan hệ, tiếp xúc với luật sư... có khi lại hiểu luật sư hơn chính những người trong giới.

Chúng ta có thể chọn thành viên lãnh đạo là thẩm phán, người mới hành nghề luật sư vài năm... Vấn đề là từ vị trí công tác trước đây của họ sẽ giúp họ hiểu rõ nghề luật sư hơn chứ không nhất thiết phải là luật sư hành nghề lâu năm.

- Ba năm trước, Đoàn luật sư Hà Nội từng có văn bản "tố khổ" với Phó thủ tướng vì bị gây khó dễ trong khi hành nghề. Theo ông, tới đây Liên đoàn sẽ tháo gỡ tình trạng này thế nào?

- Việc luật sư bị các cơ quan tố tụng "hành" đã được phản ánh rất nhiều, nhất là ở khâu điều tra, song chưa tập hợp thành một tiếng nói chung mà còn lẻ tẻ chưa thống nhất.

Khi liên đoàn ra đời thì việc này sẽ được làm ráo riết hơn. Chúng tôi sẽ tham gia trực tiếp vào văn bản quy định cụ thể các nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan tố tụng với luật sư. Khi đó, có cơ sở pháp lý rõ ràng, họ không còn lý do để gây khó khăn.

Nhưng hiện công bằng mà nói tình trạng gây "khó dễ" cho luật sư khi hành nghề đã được cải thiện rất nhiều, nhưng đây đó vẫn còn hiện tượng này.

- Có ý kiến cho rằng việc mất đoàn kết là một điểm yếu của giới luật sư Việt Nam, ông nghĩ sao về việc này?

- Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề đó, do vậy trong lời nói đầu của dự thảo điều lệ đã xác định rõ tiêu chí hoạt động là "tập hợp đoàn kết".

Liên đoàn sẽ là đầu mối để tập hợp, gắn kết giới luật sư trong cả nước. Việc Liên đoàn điều phối quyền lợi giữa luật sư và các đoàn cũng là nhằm đảo bảo sự đoàn kết.

Sắp tới, ngoài các hoạt động chuyên môn tập thể, qua việc tổ chức hoạt động tập thể như thi đấu thể thao, văn nghệ... chúng tôi hy vọng các luật sư sẽ thân thiết và hiểu nhau hơn. Hiện cả nước có hơn 5.300 luật sư, trong đó 2.000 người có trình độ thạc sĩ.

Đại hội thành lập Liên đoàn luật sư Việt Nam sẽ tổ chức từ 10 đến 12/5 tại Hà Nội, với gần 330 đại biểu đã được triệu tập.
VPLSVT - Theo VnExpress
  Tin mới hơn: Tin cũ hơn:
<< Trang trước                    Trang sau>>
 

ls le trung son cr

Khách hàng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT


DỊCH VỤ CUNG CẤP

trong nuoc

nn